Chuẩn bị và lực lượng Chiến tranh Tống–Việt (981)

Đại Tống

Triều đình nhà Tống cho lập Giao Chỉ hành doanh là bộ chỉ huy lực lượng viễn chinh Giao Chỉ. Trong bộ chỉ huy này, Hầu Nhân Bảo là Tổng tư lệnh, được phong làm Giao Chỉ lộ Thủy lục kế độ Chuyển vận sứ; có nghĩa chỉ huy cả thủy lục quân và sau khi chinh phạt được Đại Cồ Việt (nhà Tống chỉ gọi là Giao Chỉ) thì sẽ biến xứ này thành một lộ của Đại Tống và giao cho Hầu Nhân Bảo làm Chuyển vận sứ. Các tướng lĩnh cao cấp khác (hàng chánh tướng và phó tướng) gồm có: Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn và Trần Khâm Tộ,[8] Tôn Toàn Hưng được giao chức Phó Tổng tư lệnh, được phong làm Ung Châu lục lộ binh mã Đô bộ thư. Hứa Trọng Tuyên là Phó Tổng tư lệnh đóng tại hậu cứ ở bên đất Tống. Lưu Trừng là chỉ huy lực lượng thủy quân. Hứa Sương Duệ chỉ huy lực lượng thông tin liên lạc. Ngoài ra còn nhiều sĩ quan hàng tùy tướng, lại thuộc, v.v...[1] Theo Tống sử, nhà Tống chia quân làm 2 đạo. Đạo quân bộ do Lan Châu Đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Trương Tuyền và Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng chỉ huy từ Ung Châu tiến vào. Đạo quân thủy do Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng, Quân khí khố Phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan Các môn chi hậu Vương Soạn chỉ huy, từ Quảng Châu tiến vào.[9]

Quân Tống huy động chủ yếu là lực lượng tại các địa phương phía Nam dưới quyền của Hầu Nhân Bảo và Hứa Trọng Tuyên. Ngoài ra, còn có từ 1-2 vạn quân được huy động từ Kinh Hồ (vùng Trung nguyên) đặt dưới quyền của Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ. Trong lực lượng chinh phạt này, thành phần cấm quân là thành phần chủ yếu. Cấm quân là lực lượng chủ lực và cơ động của quân đội Tống.

Toàn bộ quân số khoảng 3-4 vạn người.[10][11][12]

Đại Cồ Việt

Về phía Đại Cồ Việt, giúp việc cho Lê Đại Hành trong việc chỉ huy quân và dân cả nước đánh trả là Phạm Cự Lạng (Lượng) giữ chức Thái úy, Hồng Hiến giữ chức Thái sư. Thiền Uyển tập anh cho biết: "Thời Lê Đại Hành chống Tống, vua thường mời sư Pháp Thuận và đại sư Ngô Chân Lưu cùng dự bàn mưu kế. Đến khi thái bình, vua ban khen, các sư đều không nhận thưởng".

Lê Đại Hành thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước. Lữ Lang được cử đưa đạo quân Uy Dũng từ Hoa Lư lên giữ phòng tuyến bờ Bắc sông Lục Giang (địa phận Thái Bình ngày nay). Trần Công Tích lên trấn thủ ở Nghĩa Đô gần thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Lê Long Kính trấn thủ ở bờ Bắc sông Hải Triều (tức sông Luộc). Các tướng lĩnh khác bên phía Đại Cồ Việt gồm có Phùng Phường, Đào Trực, Hoàng Vĩnh Chu, Đào Công Mỹ, Phạm Quảng, Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Triệt, Vũ Uy, Đào Hồng, Đặng Xuân và 4 em trai, Vương Minh, Vương Xuân, Vương Hồng và 2 em gái, và Dũng Mạnh (hộ vệ Lê Đại Hành).

Với dân số trên dưới 1 triệu người, tổng số quân Đại Cồ Việt khó lòng vượt quá 4 vạn người.

Đại Cồ Việt đã khẩn trương xây dựng các phòng tuyến. Đáng chú ý nhất trong số này là chiến lũy Bình Lỗ. Hiện chưa có khẳng định cuối cùng là Bình Lỗ ở đâu.[13] Tuy nhiên vai trò của Bình Lỗ đã được Trần Quốc Tuấn sau này nhắc đến, đó là nhà Tiền Lê nhờ xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống.[14] Bên cạnh đó, Lê Đại Hành cho cắm các cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó với thủy quân Tống.[7]